10 bài thuốc trị viêm phế quản bằng mật ong

Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc đường thở bị sưng viêm, làm xuất hiện triệu chứng ho, sốt nhẹ, khò khè và khó thở. Cách chữa viêm phế quản bằng mật ong là một trong những biện pháp trị bệnh dân gian được áp dụng phổ biến và được đánh giá cao.

1. Công dụng của mật ong đối với bệnh viêm phế quản

Sữa pha mật ong
Sữa pha mật ong

Viêm phế quản là thuật ngữ chỉ tình trạng nhiễm trùng, viêm, sưng phế quản – ống có nhiệm vụ mang oxi từ mũi đến phổi. Lúc này, niêm mạc của phế quản tiết ra lượng lớn chất nhầy dư thừa, gây nên các triệu chứng:

  • Đờm
  • Ho nhẹ hoặc dai dẳng
  • Thở khò khè, khó thở
  • Mỏi cơ, người mệt mỏi

Viêm phế quản nhìn chung không quá nghiêm trọng, có thể điều trị bằng các loại thuốc không kê đơn, tuy nhiên, cần thận trọng để tránh gặp phải những tác dụng phụ. Ngoài ra, bạn có thể khắc phục bệnh viêm phế quản tại nhà bằng các mẹo tự nhiên như dùng mật ong.

Theo nhiều nghiên cứu, mật ong có chứa hàm lượng lớn chất kháng khuẩn, kháng virus, ức chế hoạt động của vi khuẩn gây bệnh. Dùng mật ong thường xuyên có thể giúp làm dịu cổ họng, giảm ho. Nhiều người (đặc biệt là trẻ em) cho biết họ ngủ ngon và ít ho hơn sau khi dùng mật ong trị bệnh hơn là một số loại thuốc trị ho thông thường. Tuy nhiên, không dùng mật ong cho đối tượng dưới 1 tuổi để tránh bị ngộ độc.

Mặc dù chứa ít hàm lượng vitamin và khoáng chất nhưng mật ong lại đặc biệt giàu đường (fructose và glucose), protein. Uống một muỗng mật ong có thể bổ sung năng lượng ngay lập tức – điều này đặc biệt hữu ích trong việc ngăn ngừa mệt mỏi do viêm phế quản.

Mật ong có thể được đùng độc vị hoặc phối hợp với những nguyên liệu khác để gia tăng dược tính trị bệnh.

2. Các bài thuốc trị viêm phế quản bằng mật ong

Ai nên dùng mật ong thường xuyên
Mật ong trị ho hiệu quả

Viêm phế quản thuộc phạm vi chứng khái thấu, đàm ẩm trong Đông y. Nguyên nhân là do phong thấp nhiệt độc từ bên ngoài xâm nhập cơ thể kết hợp với thấp trọc tích tụ lâu ngày bên trong gây ảnh hưởng đến các phủ tạng, đặc biệt là tạng Phế và Tỳ.

Theo y thư cổ, mật ong vị ngọt, tính bình, vào 5 kinh tâm, tỳ, phế, vị và đại tràng, có công dụng bổ trung ích khí, nhuận táo, thường được dùng trị ho, đau bụng, đại tiện bí kết, khó đẻ, bỏng, lở loét ngoài da, làm thuốc bồi bổ cơ thể và bào chế thuốc hoàn. Kinh nghiệm dân gian chữa chứng ho mạn tính là lấy 1 quả chanh ngâm nước nóng trong 10 phút rồi bổ ra, vắt lấy nước cốt, hòa mật ong lượng vừa đủ rồi chia uống vài lần trong ngày.

Chúng ta có thể sử dụng một trong số những bài thuốc kinh nghiệm điều trị viêm phế quản của Đông y như sau:

Bài 1: Củ cải 1.000g, mật ong 100g, nước muối nhạt lượng vừa đủ. Củ cải rửa sạch thái miếng cỡ bằng ngón tay, đem ngâm trong mật ong 1 ngày rồi lấy ra đem sao lửa thật nhỏ trong 30 phút (chú ý đảo luôn kẻo cháy), sau đó lại cho thêm mật ong sao đi sao lại vài lần cho đến khi mật ong kết lại là được, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: tiêu trệ tán ứ, bổ trung ích khí. Ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2-3 miếng, dùng nước muối nhạt chiêu cùng.

Bài 2: Bách bộ khô 120g, mật ong 150g. Bách bộ tán thành bột trộn với mật ong rồi đem hấp cách thủy trong 1 giờ, sau đó đem sấy khô, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: tư bổ nhuận phế, thanh táo chỉ ho, dưỡng tâm an thần, dùng rất tốt cho người bị viêm phế quản mạn tính có ho khan, phiền táo, đại tiện bí kết, thần kinh suy nhược. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 10g với nước ấm.

Bài 3: Hạt củ cải trắng 250g, quả lê 250g, ngó sen 250g, quất hồng 120g, đào nhân 120g, mật ong 500g. Các vị thuốc đem sắc kỹ lấy nước, cô đặc thành dạng cao rồi cho mật ong vào đảo đều, bảo quản trong lọ sành dùng dần. Công dụng: nhuận phế hóa đàm, bổ thận nạp khí, chỉ khái bình suyễn. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-20g.

Bài 4: Trứng gà 1 quả, mật ong 35g. Đun sôi mật ong bằng lửa nhỏ, cho thêm một chút nước rồi đập trứng vào nấu chín. Công dụng: nhuận phế chỉ khái. Ăn mỗi ngày 1 lần.

Bài 5: Hạnh nhân 100g, tử uyển 100g, ma hoàng 30g, tô tử 60g, mật ong 250g, đường đỏ 300g. Ngâm 4 vị thuốc trong nước lạnh 1 giờ rồi đem sắc 2 lần, mỗi lần 30 phút, lọc lấy nước cô thành cao, trộn với mật ong, đường đỏ chưng cách thủy trong 2 giờ, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: ôn hàn hóa đàm, thuận khí thư hung, lợi tâm phế, thông nhị tiện. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10g với nước ấm.

Bài 6: Cam thảo 6g, giấm ăn 10g, mật ong 30g. Tất cả cho vào chén, hãm nước sôi uống thay trà. Công dụng: nhuận phế chỉ khái.

Bài 7: Bạch quả 100g, ngũ vị tử 100g, bách hợp khô 100g, mật ong 1.000g. Ba vị thuốc ngâm nước lạnh 1 giờ rồi sắc lửa nhỏ trong 30-60 phút, lọc lấy nước rồi lại sắc tiếp lần 2, cô 2 dịch chiết thành cao, trộn với mật ong và chưng cách thủy trong 2 giờ. Công dụng: liễm phế ích khí, hóa đàm chỉ khái, bình suyễn nhuận tràng. Uống sau ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10g với nước ấm.

Bài 8: Nước ép ngó sen, gừng tươi, lê tươi, củ cải, mía tươi, măng tre tươi đem trộn với mật ong rồi hấp cách thủy, uống tùy thích. Công dụng: sinh tân dưỡng dịch, thanh nhiệt hóa đàm, dùng tốt cho người bị viêm phế quản mạn tính thể đàm nhiệt.

Bài 9: Lá sơn tra (bỏ lông) 70g, xuyên bối mẫu 7g, đường mạch nha 70g, mật ong lượng vừa đủ. Đem lá sơn tra sắc 2 lần lấy nước rồi hòa với bột xuyên bối mẫu, mật ong và đường mạch nha, cô thành cao, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: tuyên phế, hóa đàm, chỉ khái. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30g với nước ấm.

Bài 10: Vừng đen 250g, gừng tươi 120g, đường phèn 120g, mật ong 120g. Vừng đen sao chín sấy khô, tán bột rồi trộn với nước cốt gừng, mật ong và đường phèn đập vụn đem hấp chín, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: nhuận phế vị, bổ can thận, chỉ khái bình suyễn. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20g.

3. Thận trọng khi dùng mật ong chữa bệnh viêm phế quản

Trong quá trình điều trị bệnh viêm phế quản bằng mật ong, bạn cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Mật ong an toàn, lành tính nên cách chữa viêm phế quản bằng mật ong hầu như phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp dị ứng với mật ong hoặc một số thành phần trong bài thuốc phối hợp, làm xuất hiện các biểu hiện như: nổi ban đỏ, mẩn ngứa… Nếu thuộc nhóm đối tượng trên, bạn hãy ngưng dùng mật ong và tìm kiếm giải pháp khác phù hợp hơn.
  • Áp dụng thường xuyên và đều đặn để bài thuốc phát huy tác dụng trị bệnh.
  • Tránh xa các chất kích thích cho phổi như khói, bụi bẩn, khu vưc không khí bị ô nhiễm. Thường xuyên đeo khẩu trang để bảo vệ đường thở.
  • Không khí ẩm và ấm có thể làm giảm lượng chất nhầy vướng víu nơi cổ họng. Do đó, bạn nên dùng máy hóa hơi để loại bỏ bớt chất nhầy và giảm ho.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch, chống lại tác nhân gây bệnh.
  • Bổ sung vitamin C (đường uống hoặc thức ăn) để tăng cường hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng đường hô hấp. Tham khảo chuyên gia y tế để biết liều lượng phù hợp.

Bài viết vừa giới thiệu một số cách trị viêm phế quản bằng mật ong. Các mẹo dân gian nhìn chung an toàn, lành tính, có thể dùng lâu dài mà không lo tác dụng phụ như phương pháp điều trị khác. Thực hiện thường xuyên và đều đặn để thấy được hiệu quả điều trị.

Nguồn: Thuocdantoc.vn, ThS. Hoàng Khánh Toàn/Suckhoedoisong.vn

Về Phạm Quốc Toàn

Chào bạn, mình là Toàn, Sinh ra, lớn lên ở Bình Định. Hiện sống, làm việc tại Sài Gòn. Trang MatOngRungTuNhien.com được lập với mục đích chia sẻ chuyên về mật ong, công dụng tuyệt vời của mật ong mang lại cho sức khỏe của chúng ta và cách dùng mật ong sao cho hiệu quả nhất. Ngoài ra mình cũng cung cấp hai loại Mật Ong Hoa Cà Phê và Mật Ong Rừng Tự Nhiên với thương hiệu OdiFood. Khi mua mật ong tại trang web, mình cam kết với bạn là mật ong nguyên chất 100%. Cần mua mật ong, bạn liên hệ với Toàn qua số 0989.238.648 nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *